Một trong những điều kiêng kỵ ngày Tết phổ biến nhất là không quét dọn nhà cửa vào ngày mùng 1. Việc lau dọn nên được thực hiện trước Tết vì theo quan niệm dân gian, quét nhà đầu năm là hất tài lộc ra khỏi cửa.
Phong tục này vốn bắt nguồn từ câu chuyện của người Trung Quốc: một người lái buôn được Thủy thần tặng cho nàng hầu Như Nguyệt, giúp ông ta trở nên giàu có. Một năm kia, vào ngày mùng 1, Như Nguyệt mắc lỗi và bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc nên tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn mang rác đổ đi và từ đó quay lại nghèo khổ. Ông cha ta theo câu chuyện này mà quan niệm đổ rác ngày mùng 1 là không nên vì đổ hết tài lộc của gia đình.
Cho lửa, nước đầu năm là một điều kiêng kỵ ngày Tết vì lửa tượng trưng cho sắc đỏ, cho sự may mắn và tài lộc. Trong khi đó, người Việt Nam quan niệm nước là sự sinh sôi, là “tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự sinh sôi, mát lành và sự sống dồi dào.
Ngày đầu năm, mọi người cần tránh tuyệt đối việc làm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương... để không phạm phải kiêng kỵ ngày Tết. Những vật này nếu bị vỡ sẽ là điềm xấu cho sự chia lìa, tan nát, không tốt cho vượng khí cả năm.
Màu đen - trắng thường tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết, người Việt Nam thường tránh mặc quần áo hai màu này. Thay vào đó, mọi người lựa chọn những bộ trang phục nhiều màu sắc và tươi trẻ hơn để mong muốn một năm mới đầy may mắn, hạnh phúc.
Nên dọn nhà sạch sẽ trước Tết, kiêng quét dọn trong ngày mùng 1
Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
Ngày mùng 5 vốn là ngày Nguyệt Kỵ, người Việt thường không xuất hành vào ngày này vì không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc. Dân gian còn có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn” để nhắc nhở về sau.
Để cả năm vẹn toàn, luôn vui vẻ, hòa thuận, vào những ngày đầu năm mọi người luôn cố gắng giữ hòa khí, không tranh cãi hay gắt gỏng với nhau dù có khó chịu như thế nào. Người lớn không quát mắng, trẻ nhỏ không khóc la để giữ bầu không khí luôn chan hòa trong tổ ấm.
Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của Thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo.
Mùng 1, mùng 2 thì không nên giặt quần áo
Kiêng kỵ ngày Tết cũng đề cập tới việc mở cửa tủ, bất kì loại tủ nào kể cả tủ quần áo. Việc này dễ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì vậy, người xưa thường chuẩn bị sẵn áo quần cần mặc và treo sẵn ra ngoài trước giao thừa.
Hành động đứng hay ngồi án ngữ ngay cửa chính trong dịp năm mới vừa kém duyên vừa gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại và phân tán đi chỗ khác, khiến gia đình không được may mắn như ý.
Mua đồ xui: “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Ngày đầu năm cần kiêng mua dao, thớt, chày, cối... mà nên mua muối sáng sớm ngày mùng 1 để cả năm đậm đà, ý vị.
Ăn món xui: dân gian quan niệm những món thịt vịt, cá mè... không tốt cho năm mới và sẽ mang lại xui xẻo.
Nói điều xui: hãy dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau, đừng nói gì làm mất lòng người khác.
CCOIN theo MBND